Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Hà Nội T&T “đá bẩn” cho Đà Nẵng lên ngôi vô địch

BongdaLIVES.com - Mặt ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đanh lại sau trận đấu, trên khán đài hàng chục ngàn khán giả phẫn nộ hò hét “Hà Nội T&T chơi bẩn”... Mùa bóng 2012 đã kết thúc một cách đầy bất ngờ theo kiểu thiếu tinh thần thể thao nhất, cái kết ấy làm việt vị chính những người đứng đầu nền bóng đá, bởi ngay đến họ cũng chẳng dám tin sẽ chứng kiến màn kịch tồi đến thế.

Lối chơi của Hà Nội T&T chiều qua được gói gọn: phòng ngự chặt, câu giờ nhiều.
Trước khi lượt đấu cuối cùng diễn ra, cơ hội vô địch của Đà Nẵng là nhỏ nhất khi họ phải thắng và chờ kết quả của trận Hà Nội T&T gặp Sài Gòn Xuân Thành. Chính vì vậy, lãnh đạo TP.HCM lẫn quan chức cao nhất của VPF và ngành thể thao đã có mặt ở sân Thống Nhất để chờ đợi giây phút trao cúp.
Suốt cả hiệp một trôi đi chỉ một mình Sài Gòn Xuân Thành tấn công, đội Hà Nội T&T chủ yếu là chơi phòng ngự triền miên. Cái lý họ đưa ra là nếu Đà Nẵng hoà, họ cũng chỉ cần hoà là vô địch. Nhưng sang đầu hiệp hai, khi mà Đà Nẵng đã thắng đến hai bàn, các cầu thủ Hà Nội T&T thậm chí còn câu giờ, phòng ngự bạo hơn. Lúc này thì ai cũng biết, sợ không thắng được Sài Gòn Xuân Thành, Hà Nội T&T đã quyết định chơi phòng ngự để lấy hạng nhì, đẩy ngôi vô địch sang cho người anh em, SHB Đà Nẵng. Họ không chơi để đoạt cúp dù cơ hội vẫn còn, họ chơi để giúp “anh em”.
Trên khán đài vốn nghẹt kín người vì ban tổ chức sân quyết định mở cửa cho vào tự do bắt đầu những màn chọi dép để phản đối, hò hét và chửi rủa. Lực lượng cảnh sát phải được điều thêm vào để bảo đảm trật tự, nhất là khi xe chữa cháy vì đi muộn đã không thể có mặt kịp trong sân. Bất chấp sự hiện diện của hàng chục ngàn khán giả, bất chấp sự có mặt của những quan chức được trân trọng mời vào xem, các cầu thủ của bầu Hiển tiếp tục lối chơi tiêu cực, diễn trò ngay trên sân. Thậm chí, câu giờ cũng khó bởi các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành tỏ ra khá quyết tâm lấy trọn 8 tỉ đồng mà bầu Thuỵ đã hứa, các cầu thủ Hà Nội T&T chọn cách chơi xấu, ăn vạ và Văn Quyết đã bị phạt thẻ đỏ, Văn Biển không chịu phát bóng cho đến khi nhận thẻ vàng mới thôi.
Biết tin các cầu thủ Đà Nẵng đã thắng, Ninh Bình buông xuôi, gần như toàn bộ các cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành đã ào lên vây lấy khung thành đội khách, hàng loạt tình huống đã bị bỏ lỡ bởi khi thì bóng trúng xà ngang, khi thì bóng trúng cột dọc, khi thì hậu vệ kịp phá. Chiến đấu đến tận giây phút cuối cùng vẫn không thể có được bàn thắng, Sài Gòn Xuân Thành đành chấp nhận hạng ba còn các cầu thủ Hà Nội T&T vui mừng với hạng nhì mà họ đã chọn ngay từ đầu. Đây là trận đấu rõ ràng nhất cho điều mà bấy lâu nay giới thể thao vẫn gọi là “hai đánh một không chột cũng què” hoặc cụm từ “anh em nhà bầu Hiển” khi nói về cuộc đua tranh chức vô địch V-League.
Trước việc ông Phan Thanh Hùng được VFF chọn làm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Quốc gia nhưng lại dẫn dắt các học trò mình chơi thứ bóng đá tiêu cực, người ta không khỏi lo lắng cho diện mạo của tuyển Việt Nam ở kỳ AFF Cup này. Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Vinh – thành viên ban Đạo đức của VPF ngay sau trận đấu rằng: “Đây có phải là thứ bóng đá có đạo đức?” Ông Vinh cười buồn rồi chỉ tay: “Đó, có sự chứng kiến của ông chủ tịch VFF, giám đốc VPF và cả tổng cục trưởng tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, hỏi thử xem các ông ấy nói gì đi?” Đem câu hỏi ấy đến với các quan chức, chỉ có ông Phạm Ngọc Viễn – phó chủ tịch VFF, tổng giám đốc VPF – đứng bần thần một góc trả lời rằng: “Tiếc quá, giá mà Hà Nội T&T đá tử tế như ban đầu thì đâu đến nỗi khán giả phản ứng như thế này”.
Tiêu cực đã lộ rõ, hai đội bóng một ông bầu đã vì nhau mà đá cũng đã rõ. Vậy, giờ VPF với lời hứa của bầu Kiên, “giải quyết chuyện hai ông bầu một đội bóng” và “chống tiêu cực đến tận cùng” sẽ được thực hiện như thế nào?
Các quan chức thể thao cao nhất của VPF, VFF và lãnh đạo TP.HCM đã được mời đến trao cúp nhưng cuối cùng, họ chỉ được xem kịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét